Bệnh viêm màng nào là gì?
Viêm màng não là bệnh chứng do viêm lớp màng mỏng bao bọc não và hệ thần kinh cột sống. Màng não là một màng mô chắc bao xung quanh não và tủy sống. Nguyên nhân gây ra bệnh viêm màng não là do vi trùng hay siêu vi trùng từ nơi khác trong cơ thể qua máu lan vào dịch não tủy, hoặc có thể do loại nấm hay ký sinh trùng ( rất ít ). Một số khác do phản ứng với hóa chất hay bệnh tự miễn nhiễm.
Người mắc viêm màng não do vi trùng và nấm cần phải nhanh chóng nhập viện để điều trị kịp thời do bệnh có thể tiến triển nhanh và có thể gây tử vong, còn viêm màng não do virus thường được điều trị tại nhà, và có thể khỏi trong vài ngày .
Triệu chứng bệnh viêm màng não
Khoảng 25% bệnh nhân bị viêm màng não có triệu chứng tiến triển trong vòng 24 giờ. Số còn lại thường phát bệnh trong vòng 1 đến 7 ngày. Thỉnh thỏang, một số người sử dụng kháng sinh để điều trị những bệnh nhiễm trùng khác, các triệu chứng này có thể tiến triển chậm và ít nặng nề hơn. Những bệnh nhân viêm màng não do nấm (hầu hết những người này bị nhiễm HIV), triệu chứng có thể tiến triển trong vài tuần.
Những triệu chứng kinh điển
- Nhức đầu
- Cổ cứng
- Sốt và ớn lạnh
- Nôn
- Sợ ánh sáng
- Co giật (xảy ra ở 1/3 bệnh nhân viêm màng não)
- Các triệu chứng của viêm đường hô hấp trên ( lạnh, xổ mũi, ắc xì, ho, đau họng).
Các triệu chứng không điển hình
- Yếu khu trú hoặc giảm cảm giác hoặc vận động, đặc biệt ở mặt
- Đau và sưng 1 hay nhiều khớp
- Bị nổi ban trông như những vết bầm
Nguyên nhân gây viêm màng não
Thông thường, não được bảo vệ tránh khỏi tác động của hệ thống miễn dịch của cơ thể bằng hàng rào mà màng não dựng lên để ngăn cách giữa não và máu. Trong tình trạng bình thường thì điều này giúp ngăn không cho cơ thể huy động các phản ứng miễn dịch để tấn công lại chính nó. Nhưng ở bệnh nhân viêm màng não, nó có thể trở thành một vấn đề.
Một khi vi khuẩn hay những vi sinh vật khác tìm được đường đến não, chúng được cách ly một phần khỏi hệ thống miễn dịch và do đó, có thể phát triển. Tuy nhiên, khi cơ thể cuối cùng cũng bắt đầu tìm được cách chống lại, vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn.
Khi cơ thể phản ứng lại, các mạch máu bắt đầu cho phép huyết tương, các bạch cầu và những tác nhân chống nhiễm trùng khác vào màng não và não gây ra phù não và cuối cùng là có thể dẫn đến giảm lượng máu đến não làm các triệu chứng nhiễm trùng trở nên nặng nề hơn.
- Viêm màng não do nhiều loại vi trùng gây ra. Các vi trùng thường gặp là Streptococcus pneumoniae, Neisseria meningitidis, có thể gây thành dịch trong điều kiện sống đông đúc như ký túc xá hoặc doanh trại quân đội. Haemophilus influenzae type B (Hib) cũng có thể gây viêm màng não ở người lớn và trẻ nhỏ, nhưng ngày nay ít phổ biến hơn do trẻ em đã được chích vaccine ngừa Hib.
- Viêm màng não do vi trùng có thể xuât hiện do nhiều nguyên nhân. Thường thì đó là hậu quả của nhiễm trùng do vi trùng đã tồn tại ở vùng mũi và miệng. Những vi trùng này đi vào máu và đến cư trú ở lớp màng bao bên ngoài não (màng não).
- Viêm màng não cũng có thể là kết quả của các nhiễm trùng xảy ra gần não như tai hoặc xoang. Và đó cũng có thể là biến chứng cơ hội của phẫu thuật não, đầu hay cổ.
- Tuổi mắc bệnh trung bình là 25 và tỷ lệ bị viêm màng não ở nam và nữ ngang nhau. Người ta chưa lý giải được tại sao những người Mỹ gốc Phi thường viêm màng não nhiều hơn so với những tộc người khác.
- Những người có nguy cơ bị viêm màng não nhiều hơn những người khác là:
+ Trên 60 tuổi
+ Dưới 5 tuổi
+ Nghiện rượu
+ Bị hồng cầu hình liềm
+ Bị ung thư, đặc biệt là đang hóa trị
+ Bệnh nhân ghép tạng và đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch
+ Có tiếp xúc với bệnh nhân bị viêm màng não trong thời gian gần đây
+ Đái tháo đường
+ Những người sống trong khu tập thể (doanh trại quân đội, khu sống tập thể)
+ Sử dụng thuốc đường tĩnh mạch
+ Những người có ống dẫn lưu do não úng thủy
Điều trị viêm màng não
Tự chăm sóc tại nhà
Chẩn đoán và điều trị nhanh chóng là rất cần thiết đối với bệnh viêm màng não. Do đó, nếu bạn nghi ngờ mình hoặc người thân bị viêm màng não, hãy tìm kiếm sự hỗ trợ của các cơ sở y tế ngay lập tức. Nếu bạn không thể đưa được bệnh nhân đến bệnh viện được thì hãy gọi ngay cho xe cấp cứu.
- Chăm sóc cấp cứu ban đầu:Trong khi chở bệnh nhân đến bệnh viện hay chờ xe cấp cứu, cần thực hiện những bước sau:
+ Cho bệnh nhân uống thuốc hạ sốt (acetaminophen).
+ Đặt bệnh nhân nằm ở nơi ánh sáng dịu (hơi tối), yên tĩnh.
+ Nếu bệnh nhân ói, đặt bệnh nhân nằm nghiêng để tránh hít các chất nôn vào phổi.
- Chăm sóc tại nhà: chỉ được thực hiện khi bệnh nhân bị viêm màng não do virus nhẹ, và chỉ có thể được chẩn đoán bằng chọc dò dịch não tủy. Nếu được chẩn đoán là viêm màng não do virus, có thể dùng các thuốc giảm đau đầu và hạ sốt. Thường là acetaminophen hoặc các thuốc giảm đau mạnh hơn. Kháng sinh không có ích trong viêm màng não do virus.
+ Nếu bệnh nhân với chẩn đoán viêm màng não do virus được bác sĩ cho về nhà, cần phải được tái khám sau 1 hoặc 2 ngày.
+ Khi bệnh nhân viêm màng não do virus được điều trị tại nhà, cần chú ý đến những dấu hiệu báo hiệu tình trạng bệnh nhân chuyển biến nặng hơn. Nếu có những dấu hiệu sau, cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay:
- Ói nhiều hơn hoặc không kiểm soát được
- Đau đầu hoặc sốt nặng hơn
- Đột quỵ
- Yếu hoặc tê tứ chi.
- Khó nói, khó nuốt hay khó đi lại
- Lơ mơ hoặc ngủ nhiều quá mức
Can thiệp y học
Việc quyết định xem có cần thiết phải nhập viện hay không đối với những bệnh nhân viêm màng não còn tùy thuộc vào nguyên nhân.
Nếu viêm màng não do virus, việc điều trị thường đỡ nặng nề hơn và chủ yếu làm cải thiện các triệu chứng của bệnh nhân. Viêm màng não do virus thường được điều trị tại nhà với acetaminophen và các thuốc giảm đau khác. Kháng sinh không có tác dụng trong điều trị viêm màng não do virus.
Ở trường hợp viêm màng não do vi trùng, thường bệnh nhân sẽ được nằm ở phòng chăm sóc đặc biệt để được theo dõi trong một khoảng thời gian dài hay ngắn tùy thuộc vào diễn tiến của bệnh. Chăm sóc một bệnh nhân viêm màng não do vi trùng thường bắt đầu với việc đảm bảo bệnh nhân được thở tốt và có huyết áp ổn định.
- Lập đường truyền tĩnh mạch và bắt đầu truyền dịch.
- Theo dõi monitor hoạt động của tim.
- Sử dụng kháng sinh đường tĩnh mạch
- Steroid có thể được dùng để làm giảm độ nặng của bệnh
- Nếu bệnh nặng cần điều trị tích cực hơn.
- Có thể sẽ phải đặt ống nội khí quản để bệnh nhân thở dễ dàng hơn.
- Lập đường truyền tĩnh mạch lớn ở bẹn, ngực hay cổ. Cho thuốc cải thiện huyết áp và cắt cơn.
- Đặt thông tiểu để kiểm tra lượng nước thải ra của bệnh nhân.
Nếu chẩn đoán chưa chắc chắn, hoặc bệnh nhân mới được dùng kháng sinh, bệnh nhân sẽ được nhập viện để theo dõi và điều trị cho đến khi có chẩn đoán xác định. Và cần phải chọc dịch não tủy lại lần nữa sau 12 – 24 giờ để xác định lại.
Tiên lượng
Tiên lượng của viêm màng não phụ thuộc vào độ nặng và nguyên nhân của bệnh.
- Ở những người bị viêm màng não do vi trùng nặng hoặc bệnh khởi phát nhanh, tỷ lệ tử vong có thể trên 90%. Nếu bệnh nhân sống sót, thậm chí được điều trị đúng, vẫn có thể để lại những di chứng như điếc, co giật, liệt hay mù.
- Trong trường hợp viêm màng não do vi trùng nhẹ hơn, tỷ lệ tử vong vẫn ở mức 25%. Có thể có di chứng lâu dài. Những bệnh nhân này cần phải mất một thời gian dài để nằm viện và phục hồi.
- Những người bị viêm màng não do virus, có thể phục hồi hoàn toàn trong vòng 7 đến 10 ngày
Phòng ngừa viêm màng não
Vắc-xin tiêm ngừa chống vi trùng
Phòng bệnh viêm não Nhật Bản tốt nhất là bằng cách tiêm vaccin phòng viêm não Nhật Bản để tạo nên miễn dịch cho trẻ em ở một số nước châu Á, nơi có bệnh lưu hành. Hiện nay chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu đối với bệnh viêm não Nhật Bản nên biện pháp phòng bệnh vẫn là giải pháp cần thiết.
Có thể phòng bệnh bằng cách mặc áo quần bảo hộ, dùng hóa chất xua muỗi, lưới bảo vệ nhà cửa, màn chống muỗi, hương xua muỗi và tránh các hoạt động ở ngoài trời vào buổi chiều khi không cần thiết.
Việc dùng hóa chất phun tồn lưu nhà cửa, chuồng gia súc ở các vùng nông thôn để phòng chống muỗi Culex, trung gian truyền bệnh viêm não Nhật Bản thường không có hiệu quả do tập tính đốt người và trú ẩn ngoài nhà của loài muỗi này.
Ở một số vùng, có thể phòng chống bệnh bằng cách thả cá ăn bọ gậy, biện pháp làm hạn chế nơi muỗi đẻ trứng ở ruộng lúa và hệ thống mương máng. Việc phun hóa chất để diệt muỗi trú ẩn ngoài trời chỉ áp dụng khi xảy ra dịch.
Ở những vùng có bệnh viêm não Nhật Bản lưu hành, cần nhốt gia súc và làm chuồng gia súc cách xa nhà ở; đặc biệt là đối với loài lợn.