Viêm tuỷ răng chủyếu là do các loại vi khuẩn tồn tại trong miệng. Bệnh cũng có thểdo nhiễm độc hóa chất, sang chấn, thay đổi áp suất môi trường...
Tủy răng là một tổ chức đặc biệt gồm mạch máu, thần kinh... nằm trong một hốc giữa ngà răng (hốc tủy răng). Các tổ chức tủy răng thông với cơ thể qua các lỗ rất nhỏ ở cuống răng.
I. NGUYÊN NHÂN GÂY VIÊM TỦY RĂNG:
Tủy răng thường được coi là "trái tim" của răng và nó được bảo vệ bởi tổ chức cứng ở xung quanh, vì thế không dễ bị viêm. Khi tổ chức bảo vệ tủy răng(men răng, xương răng…) bị ảnh hưởng, dẫn đến sâu răng, làm cho tủy răng bị lộ ra, có thể gây viêm tủy răng. Giai đoạn đầu của viêm tủy răng cơn đau thường thoáng qua vài phút. Cơn đau sẽ tăng khi bị kích thích như ăn những thức ăn nóng, lạnh, chua. Về sau, cơn đau nhức nhối kéo dài, rất khó chịu, nhất là về ban đêm.
Những bệnh răng miệng có nguy cơ dẫn đến viêm tủy răng là: sâu răng, răng bị tổn thương, răng bị mài mòn, răng dị hình, tổn thương cổ răng, viêm quanh răng…
Viêm tủy thường bắt đầu từ sâu răng không chữa trị kịp thời, những vi khuẩn tồn tại ở trong miệng, xâm nhập tuỷ răng chủ yếu qua các lỗ sâu và gây bệnh., Tác nhân gây viêm tuỷ răng thường gặp nhất là vi khuẩn. Chúng tồn tại ở trong miệng, xâm nhập tủy răng chủ yếu qua các lỗ sâu và cuống răng... Ngoài ra, hóa chất (nhiễm độc chì, thủy ngân...), sang chấn, thay đổi áp suất môi trường... cũng có thể gây viêm
Sâu răng: bình thường, trong khoang miệng chúng ta có rất nhiều vi khuẩn tồn tại. Khi răng bị sâu, tổn thương, sứt mẻ hoặc bạn bị mắc các bệnh quanh răng thì vi khuẩn sẽ thâm nhập qua vùng tổn thương đi vào trong tủy răng, gây ra viêm tủy răng. Một nguyên nhân khác, vi khuẩn trong cơ thể đi vào máu, theo máu đến tủy răng, gây viêm tủy răng.
Tổn thương ở răng: chân răng thường bị tổn thương, tổn thương tủy răng do tổn thương từ ngoài răng gây nên vỡ hay mẻ răng. Mức độ tổn thương răng có liên quan đến viêm tủy răng. Răng sau khi bị chấn động nhẹ cũng có thể gây viêm tủy răng.
Răng bị mài mòn: những người lớn tuổi do quá trình nhai nghiền thức ăn kéo dài qua nhiều năm tháng nên men răng và xương bị mài mòn. Răng bị mài mòn gần đến tủy răng, sẽ dẫn đến viêm tủy răng.
Dị hình bẩm sinh: thường gặp khi tủy răng bi hoại tử ở những răng nhọn dị dạng ở giữa và những răng lõm phía dưới. Răng nhọn ở giữa một cách dị dạng dễ bị mài mòn, dẫn tới viêm tủy răng. Còn răng có hốc lõm ở phía dưới dễ bị tồn thức ăn, gây sâu răng, từ đó dẫn tới viêm tủy răng.
Răng bị tổn thương: phương pháp đánh răng không thích hợp như dùng bàn chải cứng hay chải răng quá mạnh sẽ làm tổn thương cổ răng, khiến cổ răng khuyết dần đi. Nếu cổ răng bị khuyết ở mức nghiêm trọng có thể làm lộ tủy răng, gây viêm tủy.
Chứng viêm quanh răng: những tổ chứ xung quanh chân răng như lợi bị viêm nhiễm, dẫn tới viêm tủy răng.
Nhiệt độ thay đổi đột ngột: nhiệt độ khoang miệng thay đổi đột ngột, chẳng hạn như uống nước nóng sau đó lại ăn đồ lạnh ngay sẽ dễ làm cho tủy răng sung huyết, từ đó gây bệnh ở tủy răng.
Viêm tủy răng gây đau đớn, ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là hệ thần kinh. Bởi vậy, mọi người cần giữ vệ sinh răng miệng đúng cách và phòng tránh các nguyên nhân gây viêm tủy răng.
II. DẤU HIỆU VÀ TRIỆU CHỨNG BỆNH VIÊM TỦY RĂNG:
Viêm tủy răng có thể là viêm cấp hoặc viêm mạn. Viêm cấp gây ra những cơn đau dữ dội, viêm mạn có thể đau cơn hoặc đau liên tục, cường độ đau ít hơn viêm cấp.
Đau răng thành từng cơn, vừa đau vừa buốt hoặc chỉ đau mà không buốt. Mỗi cơn đau thường kéo dài 3-30 phút, có thể đau mức độ nhẹ tại chỗ hoặc đau dữ dội lan ra xung quanh và lên đầu, đau có thể giật theo mạch nhịp đập. Cơn đau xuất hiện tự nhiên hoặc sau khi có kích thích hoặc thay đổi áp suất (ví dụ đi máy bay), khi hết cơn đau bệnh nhân lại thấy dễ chịu hoàn toàn. Đau tủy răng là một cấp cứu nha khoa, nhiều trường hợp bệnh nhân đau uống thuốc giảm đau không tác dụng. Khi người bệnh nhai vào răng viêm tủy thì hơi đau, có thể có cảm giác răng lung lay. Nếu không được điều trị thì đau tủy kéo dài tới khi tủy chết, nhiều người bệnh chủ quan cho rằng răng đã tự khỏi mà không biết rằng nhiễm khuẩn sẽ đi ra vùng quanh chóp chân răng. Răng viêm tủy có thể có lỗ sâu, vỡ rạn răng, mòn răng hoặc viêm nha chu.
III. CÁC GIAI ĐOẠN TỔN THƯƠNG:
- Viêm tủy răng có hồi phục (tiền tủy viêm): Nguyên nhân thường do bị sâu răng để kéo dài không điều trị. Người bệnh tự nhiên thấy xuất hiện cơn đau thoáng qua. Ban đêm, họ dễ cảm nhận thấy cơn đau hơn, dễ nhầm với cảm giác ê buốt của sâu răng. Các kích thích (đụng chạm, nóng, lạnh) có thể làm xuất hiện cơn đau hoặc gia tăng cường độ đau. Giai đoạn này tồn tại không lâu, nếu được điều trị kịp thời tuỷ răng sẽ phục hồi.
- Viêm tủy răng cấp: Người bệnh tự nhiên xuất hiện từng cơn đau dữ dội, đau đến chảy nước mắt khi thức ăn lọt vào lỗ sâu hay uống nước lạnh; đau lan ra các răng kế cận. Hết cơn, người bệnh lại bình thường. Nếu có mủ, người bệnh đau dữ dội hơn, đau giật như mạch đập, như gõ trống trong tai, răng đau có cảm giác lung lay nhẹ và trồi cao hơn các răng khác.
- Viêm tủy mạn tính:Người bệnh thường đau tự nhiên từng cơn âm ỉ, liên tục hàng giờ, khoảng cách giữa các cơn đau rất ngắn, đau nhiều hơn về đêm. Các kích thích cơ học làm gia tăng cơn đau.
Tủy răng bị viêm không được điều trị sẽ dẫn đến hoại tử. Trường hợp này thường bệnh nhân không thấy đau.
IV. HẬU QUẢ CỦA VIÊM TỦY RĂNG:
Tủy răng viêm sẽ bị sung huyết. Răng chết tủy không được điều trị dẫn đến viêm quanh chóp chân răng, áp xe quanh chóp răng, và có thể sẽ phát sinh các biến chứng như viêm quanh cuống răng, rụng răng, viêm xương, viêm hạch rất nguy hại cho sức khoẻ.
Khi răng có các triệu chứng như: lỗ sâu lớn, răng bị sang chấn kèm theo các dấu hiệu đau nhức từng cơn tự nhiên (đau tăng dần về đêm), răng bị đổi màu bất thường... phải đến bác sĩ ngay để được khám và điều trị vì có thể tủy răng của bạn đã bị viêm hoặc hoại tử.
Về điều trị, khi chữa viêm tủy răng phải đến các cơ sở chuyên khoa răng hàm mặt để được thầy thuốc khám và điều trị, cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
V. ĐIỀU TRỊ VIÊM TỦY RĂNG:
Bệnh nhân đau tủy răng có thể dùng thuốc giảm đau tạm thời. Khi dùng thuốc phải chú ý tác dụng phụ của thuốc trên đường tiêu hóa và tác dụng toàn thân khác. Cần phải khẩn trương đến bác sĩ răng hàm mặt để điều trị triệt để bệnh tủy răng.
Bệnh nhân có răng đau tủy cần tới bác sĩ nha khoa để khám chẩn đoán bệnh và tình trạng mô răng. Nếu răng có chỉ định nhổ thì nên nhổ răng sớm để loại bỏ triệu chứng đau, nếu răng có chỉ định bảo tồn thì sẽ được điều trị tủy. Nếu bệnh nhân đau ít, cơn đau ngắn (3-5 phút) thì có thể theo dõi tủy răng, nếu răng bị sâu thì cần làm sạch ngà mủn vì ngà mủn có nhiều vi khuẩn, rồi trám kín bằng hydroxit canxi, tránh kích thích nóng, lạnh, chua, ngọt. Nếu đau giảm thì không cần lấy bỏ tủy răng, thời gian theo dõi khoảng sáu tháng. Nếu đau tăng lên thì cần lấy bỏ tủy, bệnh nhân sẽ được bác sĩ gây tê tại chỗ quanh chân răng và khoan mở tủy, lấy sạch tủy và tạo hình hệ thống ống tủy để các ống tủy có hình thuôn thích hợp cho việc hàn kín ống tủy. Hiện nay có nhiều loại dụng cụ nong và phương pháp tạo hình ống tủy nhưng đều có đặc điểm chung là dùng các lưỡi cắt trên cây nong ống tủy để lấy bớt ngà ở thành ống tủy và mở rộng ống tủy, trong quá trình nong rộng này không được đưa dụng cụ đi ra ngoài chóp răng. Việc lấy bỏ tủy và nong rộng ống tủy đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ, có những trường hợp ống tủy nhỏ phải nong ống tủy rộng ra rồi mới lấy được hết tủy. Trong quá trình nong rộng ống tủy sẽ tạo ra các mùn ngà, một phần việc quan trọng là không được đẩy các mùn ngà xuống chóp chân răng. Quá trình nong rộng ống tủy phải kết hợp với bơm rửa nước natri hypochlorid 2,5% và các dung dịch bôi trơn để đưa các mùn ngà ra ngoài.
Sau khi ống tủy đã được làm sạch và tạo hình thuôn thích hợp cho việc trám kín thì bác sĩ nha khoa sẽ đo chiều dài ống tủy bằng máy đo độ dài (máy apex locator), làm khô ống tủy và hàn ống tủy bằng gutta-percha, đây là một loại nhựa cây có tính dẻo tương đối, chảy lỏng khi làm nóng và được bơm vào ống tủy. Quá trình hàn ống tủy được kiểm soát bằng X-quang, gutta-percha có đặc tính khi nguội sẽ co lại, do đó gutta-percha sau khi nguội sẽ được ép chặt vào các thành ống tủy bằng các cây lèn thích hợp, sau đó bác sĩ tiếp tục bơm thêm gutta-percha, lỗ sâu thân răng sẽ được hàn bằng amalgam hoặc composite.
VI. PHÒNG NGỪA VIÊM TỦY RĂNG:
Để phòng tránh bệnh viêm tủy răng, mỗi người nên đi kiểm tra răng định kỳ sáu tháng/lần để phát hiện các răng sâu và chữa kịp thời, nếu có bệnh viêm lợi và viêm quanh răng thì nên chữa trị ngay, tránh không nhai vật cứng như xương, vỏ cua biển.