Bệnh mề đay là bệnh ngoài da phổ biến ở trẻ em và người lớn, có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh, có thể do dị ứng với sự biến đổi của thời tiết, dị ứng thuốc…
Triệu chứng của mề đay là những mảng phù màu hồng hoặc đỏ nổi cao trên mặt da, kích thước và số lượng thay đổi khác nhau, có thể ở bất cứ vị trí nào trên da, khi mề đay khỏi không để lại dấu vết gì.

Phân loại mề đay
Cơn mề đay cấp tính:Bệnh biểu hiện đột ngột ở bất cứ vùng nào trên cơ thể, thể hiện trên những sần, phù nề, ngứa dữ dội. Cơn xảy ra trong vài phút hoặc vài giờ rồi lặn hoặc có thể từng đợt kế tiếp nhau. Trong cơn mề đay cấp có thể kèm theo sốt cao, nôn mửa, đau quặn bụng, khó thở…
Cơn mề đay mãn tính:Đó là khi tình trạng nổi mề đay kéo dài trên 8 tuần, không kể nhiều hay ít, có khi ngắt quãng nhiều ngày, có thể gặp các dạng khác nhau.
+ Mề đay thành vệt dài, thành vòng - mề đay xuất huyết.
+ Mề đay sần ở trẻ em - mề đay mụn nước, phòng nước.
+ Mề đay khổng lồ - đó là phù nổi đột ngột làm sưng phù mặt, mi mắt, môi hoặc bộ phận sinh dục, thường sau vài giờ thì lặn, không ngứa chỉ gây cảm giác căng tức khó chịu. Mức độ nguy hiểm của dạng phù này là có thể làm phù đường hô hấp trên, gây hẹp thanh quản và họng dẫn tới khó thở, phải cấp cứu.
+ Mề đay cấp tiết Cholin: Xuất hiện khi đi ra nắng, vận động thể lực, xúc cảm hay gặp ở người trẻ tuổi. Mề đay nổi đột ngột rầm rộ khắp cơ thể gây cảm giác rất ngứa.
Nguyên nhân gây mề đay
1. Thực phẩm, thức uống, gia vị: Thức ăn hay bị "đổ thừa" nhất là đồ biển như: sò, nghêu, cua, ghẹ, cá biển. Các loại sôcôla, sữa, bơ, phó mát. Nhóm thực vật là dưa gang, dưa tây, cà chua, trái dâu, kể cả hành, tỏi. Tuy nhiên, cần phải nhớ rằng thức ăn thông thường nhất, "lành nhất" cũng có thể gây bệnh.
2. Các chất phụ gia: Cũng là yếu tố quan trọng. Chúng có thể là chất tự nhiên như các loại men, con giấm hoặc chất hóa học dùng để bảo quản và nhuộm màu thực phẩm.
3. Thuốc men: Có rất nhiều thứ thuốc có thể gây dị ứng và nổi MÐ. Ðáng kể nhất là Penicilline rồi đến Aspirine, Sulfamides; các loại thuốc ngủ, thuốc an thần, thuốc trị đau nhức xương khớp, thuốc ngừa thai và còn nhiều loại khác.
4. Nhiễm trùng: Các ổ nhiễm trùng, nhiễm nấm tiềm tàng thường gây bệnh MÐ mãn tính như viêm xoang, sâu răng, nhiễm trùng đường tiểu, đường hô hấp trên như viêm mũi - họng.
5. Các loại bụi nhà, bụi phấn hoa, bụi lông thú và các loại ky sinh trùng cũng thường là nguyên nhân của MÐ mãn tính.
6. Các yếu tố xúc cảm, thay đổi nhiệt độ, áp lực cọ xát do quần áo chật bó cũng có thể làm nổi MÐ.

Nhiều người cứ thời tiết lạnh là mẩn ngứa, nổi mề đay.
Phát hiện nguyên nhân
Vì có quá nhiều nguyên nhân gây bệnh, người bệnh cần phải thật chú y mới hy vọng giúp thầy thuốc tìm ra nguyên nhân chính gây bệnh để trị tận gốc. Khi có triệu chứng phù môi, sưng mặt hoặc khó thở phải đến cơ quan y tế sớm để được cấp cứu nếu cần. Sau đây là cách phát hiện nguyên nhân trong thực phẩm ở người bị MÐ mãn tính lẫn cấp tính, bằng chế độ ăn loại trừ: Bắt đầu ăn trong 3 tuần chỉ gồm các loại không có chất dị ứng như gạo, khoai tây, cà rốt, các loại đậu, bí, bầu, thịt trừu, thịt bò, cữ rượu. Có thể uống trà, cà phê nhưng không có sữa. Nếu MÐ không xuất hiện thì ta bắt đầu ăn thêm từng món nghi ngờ. Ăn đến món nào thấy MÐ nổi lên thì đó là nguyên nhân gây bệnh phải tránh sau này và cứ như thế tiếp tục.
Điều trị mề đay
Để điều trị mề đay, trước tiên cách tốt nhất là loại bỏ yếu tố gây bệnh nếu biết. Tránh một số thức ăn, một số thuốc có thể gây dị ứng. Tránh các chất kích thích như gia vị, rượu, trà, cà phê...
Trong cơn cấp, người bệnh có thể ăn nhẹ, giảm muối. Trường hợp gây ngứa, khó chịu nhiều, có thể dùng giấm thanh pha trong nước ấm (một phần giấm hai phần nước), Mentol 1%, dung dịch Calamine để thoa hay tắm. Tránh dùng thuốc mỡ kháng histamin (phenergan) thoa vì dễ gây viêm da dị ứng. Mỡ corticoides ít hiệu quả, có thể gây một số tác dụng phụ (nhất là khi thoa trên diện tích quá lớn).
Đối với mày đay mãn tính do thường có liên quan đến các bệnh lý nội khoa nên bệnh nhân cần đến bác sĩ chuyên khoa khám bệnh, thực hiện thêm các xét nghiệm cần thiết để tìm đúng nguyên nhân và có cách điều trị thích hợp.
Phòng bệnh mề đay
Theo các bác sĩ chuyên khoa, nổi mề đay khi giá rét là kiểu cơ địa quá mẫn cảm với sự thay đổi nhiệt độ của thời tiết. Theo đó, khi tiếp xúc với khí lạnh, cơ thể người bệnh sẽ giải phóng ra histamin và các chất trung gian khác, gây nổi mề đay, mẩn ngứa. Điều này giống như các phản ứng dị ứng của cơ thể với thực phẩm, phấn hoa, lông chó, mèo…
Đặc trưng của bệnh nổi mề đay là các mảng sẩn đỏ trên da với nhiều loại kích thước, kèm theo là ngứa dữ dội, càng gãi càng ngứa. Thông thường, các dấu hiệu khó chịu này sẽ tự biến mất và không để lại dấu vết gì (trừ những vết xước do gãi), song cũng có trường hợp gây ra nhiều biến chứng như khó thở, nhịp tim nhanh, phù não… Bởi thế, trong những tình huống bất thường, bạn cần đi khám ngay lập tức. Đặc biệt, để hạn chế nguy hiểm trên đường như mất kiểm soát do ngứa ngáy, khó chịu, bạn không nên đi một mình. Nếu không có ai đi cùng thì nên di chuyển bằng taxi.
Bởi không có thuốc chữa dứt điểm bệnh này, thế nên, phòng bệnh vẫn là cách tốt nhất cho những người bị nổi mề đay khi trời lạnh. Theo đó, bạn nên kiêng ăn các chất cay, nóng, thức ăn nhiều gia vị, các loại hải sản và không uống rượu…, đặc biệt vào mùa đông, vì đây đều là các yếu tố thuận lợi cho bệnh nổi mề đay xuất hiện hoặc tái phát.
Ngoài ra, khi thời tiết bắt đầu trở lạnh, cần mặc ấm ngay khi ở trong nhà, tránh ở những nơi có gió lùa, tránh tiếp xúc với nước lạnh… Nếu đã bị nổi mề đay, để hạn chế nhiễm trùng da do những vết xước, bạn không nên gãi mà chỉ xoa để bớt cảm giác ngứa. Ngoài ra, bạn cũng nên vệ sinh răng miệng, cơ thể sạch sẽ hàng ngày để không bị bội nhiễm, mưng mủ
Nổi mề đay khi trời lạnh có thể xảy ra với bất cứ ai và ở bất cứ thời điểm nào, độ tuổi nào, thế nên, nếu muốn kiểm tra cơ thể mình có bị dị ứng với thời tiết kiểu như thế này hay không, bạn chỉ cần để viên đá lên tay từ 4-5 phút, sau đó quan sát vùng da đó trong 10 phút.
Nếu thấy nổi mề đay và mẩn ngứa, nghĩa là bạn thuộc nhóm người có cơ địa kiểu như thế này. Khi đó, biết cách phòng tránh và hạn chế bệnh tái phát là việc rất cần thiết.