Những buổi chiếu phim ở Bệnh viện (BV) Đống Đa và giờ là Trung tâm 09 (Hà Nội) đã đem đến cho những người tưởng chừng như không còn lẽ sống ấy những phút thư dãn bên một câu chuyện hài, lắng sâu giữa một chuyện tâm lý, hay hiểu thêm một chút về HIV… Phương pháp chữa bệnh tâm lý bằng nghệ thuật này đã phần nào giúp họ cởi mở, có niềm tin đấu tranh với bệnh tật hơn.
Buổi chiếu phim ở Trung tâm 09 đã giúp bệnh nhân thư dãn và điều trị tốt hơn
Bị gia đình chối bỏ
Trung tâm 09 (Hà Đông, Hà Nội) là bệnh viện chăm sóc bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối, là các học viên từ các trung tâm cai nghiện, giáo dưỡng chuyển về. Từ năm 2010, BV tiếp nhận bệnh nhân từ cộng đồng.
Có đến 80% số người nhiễm AIDS nơi này đều đã ở mức độ nặng. Giữa những chuỗi ngày đau đớn và cô đơn chống chọi với bệnh tật, nhiều người đã phải đối diện với cái chết. Tối 24/11 vừa qua, bệnh nhân Lâm đã hôn mê sâu. Lúc hấp hối, anh chỉ mong gặp người thân. Anh Lâm không nói được, nhưng với kinh nghiệm làm việc ở BV đã 4 năm, chị y tá trực hiểu ánh mắt tha thiết của anh. Gia đình Lâm chỉ lên thăm anh một lần rồi biệt tăm. Chị điện thoại cho UB phường nơi anh Lâm ở, nhờ tìm gia đình và họ cũng đến BV, nhưng được vài phút.
Những người bị gia đình bỏ rơi như vậy chiếm tới hơn nửa số bệnh nhân ở đây. Hoàng Văn Hiền (29 tuổi) đã nhập viện hơn 1 năm, bị nhiễm lao, trong quá trình điều trị lại bị dị ứng thuốc. Khi anh Hiền được truyền dịch, uống được chút sữa, bố anh có lên mấy tuần đầu, nhưng từ lâu không thấy. Cứ lúc nào khỏe, anh Hiền lại ra ngồi cửa, chẳng nói với ai câu gì. Chị Nguyễn Thị Thủy nhập viện được 3 hôm, mẹ chị mới lên chăm. Tắm rửa, lấy cơm cho con, rồi bà tháo găng tay, ra ngoài ăn cơm bụi, không muốn ăn cùng con. Những lúc như thế, chị Thủy lại ứa nước mắt. Mẹ đẻ chị còn sợ thì trách sao người khác không kỳ thị.
Đối với những người như anh Hiền, chị Thủy... họ chỉ còn nơi đây là chốn nương thân. Ngoài những đau đớn về thể xác, 70% số bệnh nhân AIDS còn bị nhầm lẫn, trầm cảm. Vì thế, những lúc này, sự động viên, chia sẻ của mọi người có ý nghĩa chẳng khác gì “một miếng khi đói” đối với họ. Nhưng họ lại rất mặc cảm, khép mình ngay cả với bác sĩ.
Chị Phạm Thị Việt Thắng - cán bộ tư vấn tâm lý Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) - cho biết: “Bệnh nhân HIV/AIDS đã dùng thuốc kháng virus, phải uống thuốc đều, không được bỏ. Nhiều khi, BS khám thấy sức họ kém đi, hỏi có tuân thủ uống thuốc đều không, họ bảo có, mà thực ra là không. Với nhiều người, họ đã ở trạng thái không mục đích sống. Vì thế, nếu chỉ đơn thuần yêu cầu họ tuân thủ điều trị mà không có hỗ trợ tâm lý thì sẽ dẫn đến tình trạng đối phó như vậy”.
Xem phim để thư dãn và chữa bệnh
Chiếu phim chính là một cách hỗ trợ tâm lý mà từ năm 2010, SCDI và Tổ chức Gip – Esther đã áp dụng ở khoa Truyền nhiễm (BV Đống Đa, nay là Trung tâm 09). Nhóm tư vấn đã chọn vài chục đầu phim, khi thì để giải trí nhẹ nhàng như phim hành động của Thành Long, rồi tiểu phẩm hài giải trí, lúc lại chuyện liên quan đến ma túy, HIV/AIDS là những vấn đề gần gũi với bệnh nhân ở đây.
Giờ chiếu phim ở Trung tâm 09 diễn ra vào chiều thứ năm tuần cách mỗi tuần. Buổi chiếu hôm 24/11 là một bộ phim tâm lý tình cảm Hàn Quốc, theo yêu cầu của các khán giả nữ. Đã theo dõi từ đầu đến cuối buổi trước, có tiểu phẩm “Vợ khôn chồng dại”, “Hỏi xoáy, đáp xoay” rất thích nên hôm đó anh Khúc Minh Quân (32 tuổi, ở Hà Nội) lại ngóng xem lần này có gì mới không.
Nhập viện đã 1 tháng điều trị viêm phổi, người còn nhiều vết lở, nhưng sức khỏe đã khá, đi lại được nên anh Quân thấy xem phim cũng giúp đầu óc thư dãn, tạm quên nỗi lo bệnh tật. Xem xong, anh với mấy người gần giường tụm lại bình phẩm phim, ai cũng thấy thân thiện hơn
Qua những cuộc trò chuyện về phim ảnh ấy, cán bộ tâm lý cũng dần làm quen với họ. Ban đầu chỉ là những lời hỏi thăm về sức khỏe, ăn uống, sau đó, họ mới dần bộc bạch những điều mong muốn, khó khăn của mình. Những thông tin này lại sẽ được chuyển đến nhân viên y tế để BV nắm sát nhu cầu của bệnh nhân.
TS Nguyễn Quốc Tuấn - GĐ Trung tâm 09 - trước đây là Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Đống Đa. Vì thế, ông hiểu rõ hiệu quả của hình thức chữa bệnh tâm lý này. “Nói bằng lý thuyết về ma túy, về HIV với bệnh nhân có thể hôm nay nhớ, mai lại quên. Nhưng thông tin bằng hình ảnh không chỉ dễ hiểu mà sẽ khiến họ nhớ lâu hơn. Qua việc chiếu phim trong 6 tháng ở BV Đống Đa, chúng tôi thấy bệnh nhân giảm đi tự ti, mặc cảm. Họ đến khám, xét nghiệm, lấy thuốc đúng hẹn, ít quên thuốc và từ đó điều trị tốt hơn”.
BACSI.com (Theo Lao động)