Khi còn nhỏ, âm vật của Aissatou Kande bị cắt bỏ với những nhát dao sắc lẹm mà không hề có thuốc gây tê.
Đây là một hủ tục được người dân Senegal coi là cần thiết để kết hôn. Aissatou Kande chỉ là một trong số 92 triệu trẻ em gái sống ở “lục địa đen” phải trải qua hủ tục kinh hoàng đó chỉ để khẳng định các cô bé đã trở thành người lớn và đủ điều kiện kết hôn.
Thực tế đau lòng
Một nghi thức có tên Sare Harouna được những người phụ nữ có tuổi tiến hành trước lúc bình minh cùng với các nghi lễ truyền thống. Bốn phụ nữ trẻ sẽ giữ chặt tay và chân của những bé gái trong độ tuổi từ 5 đến 7 để một người phụ nữ tiến hành thủ thuật cắt bỏ.
Bassi Boiro, một phụ nữ lớn tuổi được giao trách nhiệm tiến hành những nghi lễ ghê rợn đó tại ngôi làng bà sống. Trong nhiều năm, bà sử dụng một con dao truyền lại từ nhiều thế hệ trước để cắt âm vật của các bé gái. Tuy nhiên, con dao đó quá cùn “đến mức không thể cắt được đậu bắp” nên bà chuyển sang sử dụng lưỡi dao cạo để những nhát cắt được sắc ngọt.
Những dụng cụ dùng để cắt âm vật bé gái.
Những con dao được sử dụng nhiều lần trong một khoảng thời gian dài khiến nguy cơ nhiễm trùng và lây lan những căn bệnh qua đường máu cho các bé gái bị đẩy lên rất cao. Nhưng đó chưa phải là điều ghê rợn nhất. Các bé gái bị cắt cửa mình mà hoàn toàn không có biện pháp gây tê hay giảm đau nào, khiến nó trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng suốt đời các em.
Trên thực tế, không ít trẻ em gái đã chết vì nhiễm trùng sau khi phải trải qua hủ tục cắt bỏ bằng những dụng cụ thô sơ đầy vi khuẩn. Đối với những em gái may mắn hơn, khả năng làm mẹ của các em cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), những người mẹ bị cắt âm vật sẽ sinh con khó khăn và tỉ lệ tử vong khi sinh cao hơn so với những người bình thường.
Tương lai tươi sáng
Ngay trong ngày cưới, Aissatou Kande tuyên bố cô sẽ không để con gái phải trải qua hủ tục kinh hoàng như mình đã từng phải gánh chịu. Cô sẽ bảo vệ con mình đến cùng khỏi tục lệ cổ xưa đã gieo ám ảnh trong tâm hồn hàng chục triệu cô gái sống trên lục địa đen.
Sự đau đớn trên gương mặt bé gái bị tiến hành cắt âm vật.
Không chỉ riêng bản thân Kande, cha mẹ cô, những người từng chứng kiến con gái mình quằn quại trong đau đớn những năm trước đây cũng đồng tình với cô: “Họ sẽ không bao giờ được phép làm điều đó với cháu gái chúng tôi”. Chỉ vài ngày sau, người đứng đầu ngôi làng của Kande tuyên bố chấm dứt vĩnh viễn hủ tục cắt âm vật của các bé gái.
Phong trào chấm dứt hủ tục cắt bộ phận sinh dục đang lan rộng ở Senegal và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các bộ lạc. Hàng tỉ USD đã được đầu tư cho những chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng trên toàn thế giới, và một phần không nhỏ trong số đó được sử dụng để giúp loại bỏ hủ tục cắt âm vật ở châu Phi trong những năm gần đây. Ngoài việc tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân, các tổ chức chăm sóc sức khỏe của Liên Hợp Quốc đã vận động được cộng đồng người Tostan chiếm đa số ở Senegal chấp thuận loại bỏ hủ tục đã tồn tại từ rất lâu đời này.
Thực tế, luật pháp Senegal đã chính thức cấm việc tiến hành hủ tục này từ hơn một thập kỉ trước, nhưng không đạt được hiệu quả cho đến khi các tình nguyện viên rong ruổi đến từng ngôi làng để vận động người dân. Những chương trình tuyên truyền vận động đang lan mạnh theo cấp số nhân ở Senegal, mở ra tương lai tươi sáng hơn cho những bé gái sinh ra trên lục địa đen.