U não (brain tumor) là 1 khối tế bào bất thường phát triển trong não hoặc xung quanh kế cận xâm lấn vào não. Chúng phát triển bằng cách phân chia tế bào nhiều lần với nhiều nguyên nhân còn không được rõ. U não chia làm u não lành tính (benign brain tumor) và u não ác tính (malignant brain tumor). Các u lành tính thường phát triển chậm, có ranh giới rõ ràng và có hình thái bình thường dưới kính hiển vi. Các u não ác tính được xem là ung thư não (brain cancer). Chúng có khuynh hướng xâm lấn vào mô não lành xung quanh và có thể phát triển với tốc độ nhanh. U lành tính cũng có thể xem là ác nếu nó ở những vị trí quan trọng của não hoặc kích thước của nó đe dọa đến tính mạng.
Những u não nguyên phát bắt nguồn từ trong não. Những u não thứ phát hay di căn là do các tế bào ung thư từ các cơ quan khác trong cơ thể theo đường máu hoặc bạch huyết di chuyển đến não. Các u não di căn (metastatic brain tumor) luôn được xem là u ác tính vì chúng phát triển từ các tế bào ung thư và phát triển nhanh.
Nguyên nhân gây ra u não ?
U não thường do những thay đổi về cấu trúc gen như đột biến gen hoặc thiếu hụt gen. Những thay đổi kiểu gen này sẽ dẫn đến các tế bào bất thường. Nếu các tế bào bất thường có tiềm năng ác tính, chúng sẽ hình thành u khi chúng phân chia nhiều lần.
Những thay đổi cấu trúc gen có thể do di truyền, do tác động của môi trường hoặc do cả hai. Nói chung, khoảng 5% các u não nguyên phát đi kèm với gen di truyền. Một số loại u não như u nguyên bào đệm bào đa dạng (glioblastoma multiforme) thường đi kèm với gen di truyền.
Xạ trị ion hóa liều cao được sử dụng trong điều trị u não hiếm khi gây ra u não thứ phát. Những người tiếp xúc với 1 số hóa chất như: các chất hóa dầu, thuốc trừ sâu và formaldehyde nhường như có nguy cơ cao mắc u não ác tính hơn ở những người không tiếp xúc. Với kết quả thực nghiệm trong phòng thí nghiệm, một số virus đã gây ra u não trên động vật. Virus có thể gây ra u não ở người nhưng vẫn chưa biết được cơ chế ra sao. Thông thường người ta tin rằng từ trường điện có thể liên quan đến u não nhưng vẫn chưa có nghiên cứu nào cho thấy mối liên hệ này.
Có nhiều yếu tố môi trường và di truyền gây ra u não. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp chúng ta vẫn không hiểu chính xác nguyên nhân nào gây ra u não.
Phân độ u (tumor grading)
U được phân độ dựa trên hình thái vi thể dưới kính hiển vi. Độ (grade) chỉ ra mức độ ác tính của u. Các u được phân độ dựa vào chỉ số phân bào (tốc độ phát triển), tình trạng mạch máu nuôi u, sự hiện diện trung tâm hoại tử (tế bào chết), tiềm năng xâm lấn (ranh giới không rõ ràng) và sự giống nhau với tế bào bình thường.
Các u ác tính có thể phân thành nhiều độ. Độ ác tính cao nhất của tế bào được tìm thấy sẽ quyết định toàn bộ độ ác của u cho dù hầu hết tế bào u còn lại có độ ác thấp hơn.
Trong hệ thống phân độ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), độ I (grade I) là u có độ ác thấp nhất. Những u này phát triển chậm và có hình thái vi thể hầu như là bình thường. Chỉ cần phẫu thuật đơn thuần là có thể đủ hiệu quả đối với các u độ I. Tuy nhiên, ngay cả u độ I cũng có thể đe dọa tính mạng nếu phẫu thuật không thể tiếp cận được. Các u độ I thường có đời sống lâu dài.
Các u độ II (grade II) phát triển nhanh hơn so với u độ I và có hình thái vi thể hơi bất thường. Những u này có thể xâm lấn vào mô bình thường xung quanh, có thể tái phát như độ III hoặc độ IV.
Các u độ III (grade III) là u ác tính. Những u này có các tế bào bất thường đang sinh sản và xâm lấn vào các mô lành xung quanh. Các u độ III thường tái phát giống như độ IV.
Các u độ IV (grade IV) là ác tính nhất và xâm lấn rộng vào các vùng mô bình thường xung quanh. Những u này sinh sản với tốc độ nhanh chóng, rất bất thường dưới kính hiển vi và có hoại tử trung tâm. Các u độ IV tạo ra các mạch máu mới giúp duy trì khả năng phát triển nhanh cho chúng.
Những biểu hiện và triệu chứng của u não
U não có thể làm tắt nghẽn lưu thông bình thường của dịch não tủy (CSF: cerebral spinal fluid) dẫn đến sự tích tụ dịch não tủy trong não (não úng thủy- hydrocephalus) và tăng áp lực nội sọ. Những triệu chứng thường gặp là buồn nôn, nôn ói và đau đầu.
U não cũng có thể làm tổn thương các đường dẫn truyền thần kinh quan trọng , xâm lấn và chèn ép mô não bình thường. Những triệu chứng thường xuất hiện theo thời gian và đặc trưng của những triệu chứng này tùy thuộc vào vị trí, kích thước của u. Một u não ở thùy trán (frontal lobe) có thể gây ra những triệu chứng sau:
- Những thay đổi hành vi và cảm xúc
- Suy giảm khả năng phán đoán, suy xét
- Giảm khứu giác, nhận biết mùi
- Giảm trí nhớ
- Yếu một bên của cơ thể (yếu liệt nữa người)
- Giảm chức năng nhận thức
- Giảm thị lực và viêm thần kinh thị (phù gai thị)
U nằm ở cả hai bên thùy trán thường gây ra những thay đổi hành vi, nhận thức và dáng đi vụng về, mất phối hợp.
U não ở thùy đỉnh (parietal lobe) có thể gây ra những triệu chứng sau đây:
- Nói khó khăn
- Mất khả năng viết
- Giảm nhận thức
- Co giật
- Rối loạn về không gian
Giảm thị lực một hoặc hai mắt và co giật có thể do u nằm ở vị trí thùy chẩm (occipital lobe).
Những u ở vị trí thùy thái dương (temporal lobe) thường không có biểu hiện triệu chứng nhưng đôi khi gây ra nói khó và co giật.
Những u ở thân não (brainstem) có thể gây ra những triệu chứng sau:
- Thay đổi hành vi và cảm xúc (thường dễ bị kích thích, dễ cáu gắt)
- Nói khó và nuốt khó
- Ngủ gà ngủ gật
- Đau đầu, đặc biệt vào buổi sang
- Giảm thính lực
- Yếu cơ mặt một bên (nghiêng đầu, méo miệng khi cười)
- Yếu hoặc liệt nữa người
- Dáng đi mất phối hợp các động tác
- Giảm thị lực, sụp mi mắt (ptosis) hoặc mắt lé (strabismus)
- Nôn ói
U màng nội tủy (Ependymoma) có nguồn gốc từ lớp màng lót bên trong các não thất (ventricles), ống nội tủy và có thể gây tổn thương thần kinh. Khi điều này xảy ra, não úng thủy (hydrocephalus), cổ cứng, đầu nghiêng và yếu có thể xảy ra.
Những triệu chứng do u màng não (Meningioma) gây ra tùy thuộc vào vị trí não bị chèn ép.
Triệu chứng có thể là:
- Đau đầu
- Giảm thính lực
- Nói khó
- Tiêu tiểu không tự chủ
- Những thay đổi tâm thần và cảm xúc (như thờ ơ lãnh đạm, mất kiềm chế)
- Ngủ gà ngủ gật kéo dài (buồn ngủ)
- Co giật
- Giảm thị lực
U ở vị trí tuyến yên (pituitary gland) có thể gây tăng tiết một số hóc môn (hormone) và gây mất kinh nguyệt (amenorrhea), tiết sữa nhiều (galactorrhea) ở phụ nữ . Yếu sinh lý (bất lực) có thể xảy ra ở nam giới.
U não di căn có khuynh hướng xâm lấn mô não bình thường (mô não lành). Một số biểu hiện và triệu chứng sau có thể xảy ra:
- Xuất huyết trong não
- Đau đầu
- Suy giảm chức năng tinh thần
- Rối loạn vận động
- Buồn nôn
- Co giật
- Nôn ói
U não có thể gây ra những biến chứng và đôi khi đe dọa tính mạng.
- Tắt nghẽn đường lưu thông của DNT từ não thất ba có thể gây chết đột ngột.
- Thoát vị não (cerebral hernia) tiến triển là một tình trạng hiểm nghèo do não bị đẩy thoát qua các lỗ trong hộp sọ.
- Đột quỵ do xuất huyết gây ra mất thị lực đột ngột và/hoặc mất ngôn ngữ, mất tri giác (mất tỉnh tảo) và liệt.
Một số biến chứng của u não
U não có thể gây ra những biến chứng và đôi khi đe dọa tính mạng.
- Tắt nghẽn đường lưu thông của DNT từ não thất ba có thể gây chết đột ngột.
- Thoát vị não (cerebral hernia) tiến triển là một tình trạng hiểm nghèo do não bị đẩy thoát qua các lỗ trong hộp sọ.
- Đột quỵ do xuất huyết gây ra mất thị lực đột ngột và/hoặc mất ngôn ngữ, mất tri giác (mất tỉnh tảo) và liệt.

Chẩn đoán u não
Bước đầu tiên trong chẩn đoán u não liên quan đến việc đánh giá các triệu chứng và hỏi bệnh sử của bệnh nhân. Nếu có nghi ngờ do u não gây ra, nhiều xét nghiệm khác nhau sẽ được thực hiện để xác định chẩn đoán bao gồm: khám thần kinh, các xét nghiệm hình ảnh và sinh thiết (biopsy).
Những xét nghiệm hình ảnh để chẩn đoán u não
Hình ảnh cộng hưởng từ (MRI scan: Magnetic resonance imaging) là xét nghiệm được chọn lựa cho u não. Năng lượng điện từ cho ra những hình ảnh điện toán chi tiết của não từ các góc độ khác nhau. Nó có thể phát hiện phù não và xuất huyết ( chảy máu) não. Trong một số trường hợp, chất cản từ được chích qua đường tĩnh mạch để cãi thiện hơn (làm rõ hơn) sự tương phản giữa mô não bình thường và mô bất thường. Không chỉ u não được nhìn thấy mà loại u gì đôi khi có thể được xác định.
Hình ảnh một trường hợp u màng não (Meningioma) được điều trị bằng xạ phẫu Gamma knife

CT scan MRI Gamma knife radiosurgery
Hình ảnh cắt lớp điện toán (CT scan hoặc CAT: Computed axial tomography) liên quan đến việc sử dụng tia X và máy tính để cho ra hình ảnh của não. Chất cản quang thường được chích qua đường tĩnh mạch để cãi thiện sự tương phản (rõ nét) giữa mô não bất thường và mô não bình thường.
PET scan (Positron emission tomography) giúp bác sĩ đánh giá chức năng não và sự phát triển của tế bào bằng cách cho ra những hình ảnh về những thay đổi vật lý và hóa học trong não. Dược chất phóng xạ được chích vào mạch máu sẽ được hấp thu bởi các tế bào u trong não. Đo đạt hoạt động của não bằng cách xác định nồng độ những chất này và rồi được xử lý bởi máy tính để cho ra các hình ảnh của não.
PET có thể định vị chính xác vị trí u và phát hiện u di căn hay tái phát ở giai đoạn sớm hơn so với MRI và CT scan. Kỹ thuật này cũng được sử dụng để đánh giá đáp ứng điều trị của u với hóa trị (chemotherapy) và xạ trị (radiotherapy).
Sinh thiết (Biopsy)
Phẫu thuật sinh thiết u là lấy một phần nhỏ u (có thể phải mở hộp sọ hoặc sinh thiết định vị với một thiết bị chuyên biệt – Stereotactic biopsy) rồi xem xét dưới kính hiển vi. Các bác sĩ giải phẫu bệnh lý sẽ cho biết u lành hay ác và chính xác là loại u gì (trong những trường hợp khó khăn cần phải làm thêm xét nghiệm hóa mô miễn dịch), từ đó có chiến lược điều trị phù hợp với từng loại u.
Đối với một số loại u não, phẫu thuật sinh thiết u não đôi khi không còn được xem là hoàn toàn cần thiết bởi vì sự phát triển của các kỹ thuật hình ảnh mới trong chẩn đoán. Với khả năng của CT và MRI sử dụng cùng các thuốc cản quang/cản từ hiện nay, một u não có thể được chẩn đoán là ác tính hay lành tính mà không cần nhất thiết phải mở sọ sinh thiết. Còn có nhiều tranh cãi trong vấn đề sinh thiết, sinh thiết u có lây lan tế bào ung thư đến các vùng khác trong não hay không?
Sinh thiết định vị u não với một thiết bị chuyên biệt (Stereotactic biopsy)
Các phương thức điều trị u não
Có nhiều phương thức điều trị đối với u não ác tính. Số lượng và loại phương thức được dùng điều trị tùy thuộc vào nhiều yếu tố: kích thước u, tốc độ phát triển và triệu chứng của bệnh nhân đang có. Bệnh nhân nên hiểu rằng có nhiều phương thức để điều trị u của mình và nên tìm kiếm thông tin tư vấn có giá trị từ các trung tâm y tế chuyên nghành và chuyên sâu.
Khi u não được chẩn đoán, một nhóm bác sĩ sẽ hội chẩn với nhau và rồi sẽ thảo luận với bệnh nhân và gia đình bệnh nhân các phương thức sẽ điều trị phù hợp nhất.
Các phương thức điều trị u não gồm có: phẫu thuật (surgery), xạ trị (radiotherapy) hoặc xạ phẫu (radiosurgery), hóa trị (chemotherapy).
Phẫu thuật: lấy bỏ u càng nhiều khi có thể, có thể cắt bỏ u hoàn toàn, bán phần hoặc chỉ một phần u.
Xạ trị hoặc xạ phẫu: dùng tia phóng xạ chiếu vào phần u còn lại sau phẫu thuật nhằm ngăn chặn sự phát triển tế bào u.
Hóa trị: tiêu diệt tế bào u còn lại càng nhiều càng tốt với các loại thuốc đặc biệt.
Tiên lượng sống còn của bệnh nhân bị u não tùy thuộc vào loại u, phân độ u, tuổi bệnh nhân, tình trạng chức năng trước điều trị, khả năng phẫu thuật lấy bỏ u …
(Nguồn từ http://irsa.org/brain_tumors.html, http://www.webmd.com/cancer/brain-cancer/)
Biên dịch bởi : Ths.Bs Nguyễn Tường Vũ
Chuyên khoa : Ngoại Thần Kinh
Công tác tại bệnh viện chợ rẫy – Kinh nghiệm 16 năm
Tư vấn và hẹn khám với bác sĩ Tường Vũ tại đây
CamNangBenh.com