Hiện nay kỹ thuật y khoa tiên tiến trong việc chuẩn đoán tiền sản đã giúp các bác sĩ phát hiện sớm dị tật bẩm sinh nặng ở thai nhi...
Từ đó tư vấn cho thai phụ có quyết định đúng đắn để duy trì hoặc kết thúc thai kỳ, nhằm giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội. Thế nhưng, vụ siêu âm sai, dẫn đến cái chết oan uổng của bé gái xảy ra tại Gia Lai ngày 13/5 vừa qua, một lần nữa đặt ra vấn đề trách nhiệm của người thầy thuốc trong việc chẩn đoán cũng như trách nhiệm của người làm cha mẹ khi quyết định dứt bỏ giọt máu của mình.
Nếu chỉ siêu sâm thôi là chưa hoàn toàn đủ
BS Trần Ngọc Hải - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện (BV) Từ Dũ TP.HCM - cho rằng, để chẩn đoán tình trạng bất thường của thai cần sử dụng nhiều phương tiện như: siêu âm, cộng hưởng từ, thử các xét nghiệm di truyền từ máu mẹ, máu cuống rốn, hay nước ối của thai nhi.
Quan trọng hơn, cần có đội ngũ chuyên gia nhiều kinh nghiệm để đánh giá khi có các dấu hiệu bất thường trên thai, nhờ vậy mới nâng cao độ chính xác trong chẩn đoán. Cần biết, không có biện pháp nào xác định được chính xác 100% thai nhi có bị dị tật hay không. Các bất thường trên thai có thể thay đổi theo thời gian và có khi chỉ được phát hiện trong khoảng thời gian nào đó, càng về cuối thai kỳ, chẩn đoán hình thái học của thai nhi càng khó khăn hơn.
BS Trần Nhật Thăng - Bộ môn Sản, Đại học Y Dược TP.HCM, Đơn vị chẩn đoán tiền sản, BV Từ Dũ TP.HCM - cho biết, khi gặp thai nhi bất thường, cha mẹ cần bình tĩnh, vì quan trọng là sự bất thường đó có sửa chữa được hay không. Thế nhưng hiện nay, một số cơ sở chỉ dựa vào kết quả siêu âm mà phán đoán thì rất nguy hiểm.
Vì siêu âm chỉ nhìn thấy được cấu trúc của em bé đang nằm trong bụng mẹ, chỉ biết trẻ bị còi, suy dinh dưỡng nhưng không chẩn đoán chắc chắn nguyên nhân của bất thường đó. Hoặc nếu siêu âm có thể phát hiện ra 60-80% các trường hợp thai nhi mắc bệnh như: thông liên thất, không có động mạch phổi, chuyển vị đại động mạch thì cũng chỉ nhằm hỗ trợ cho các bước chẩn đoán tiếp theo.
Thai phụ cần sự tư vấn cẩn trọng
Tại các nước phát triển, việc bỏ thai phải đi kèm các điều kiện như: không được phá thai nếu thai nhi còn dưới ba tháng đầu tiên của thai kỳ; không được bỏ thai nếu không được sự đồng ý của ít nhất hai BS chuyên khoa hoặc hội đồng y khoa. Sau khi sản phụ nhận được sự tư vấn đầy đủ của BS, thai nhi có khuyết tật bẩm sinh mà không thể chữa trị được, đối với phụ nữ dưới tuổi quy định (18 tuổi) thì phải có sự đồng ý của cha mẹ, người giám hộ hoặc ý kiến của tòa án…
BS Trần Ngọc Hải tư vấn, thông thường, với những trường hợp thai nhi bất thường về di truyền cần chấm dứt thai kỳ như: hội chứng Down, bất thường nhiễm sắc thể 13, 18. Vì những trẻ này sau khi chào đời sẽ không tự chăm sóc được bản thân, không thể học tập, không biểu hiện được tình cảm và tuổi thọ của trẻ cũng rất ngắn ngủi.
Hoặc những thai nhi bất thường ở não như: não úng thủy thể nặng, bất thường cấu trúc của não, không có hộp sọ, hay những trường hợp vừa bị rối loạn nhiễm sắc thể kết hợp với bệnh tim mạch… cũng cần chấm dứt thai kỳ. Và chỉ có chuyên khoa tiền sản và chuyên khoa tim mạch ở các trung tâm lớn về tim mạch của thai nhi mới chẩn đoán được những trường hợp này.
Còn theo BS Trần Nhật Thăng, các trường hợp cha mẹ bỏ thai chỉ vì hoảng sợ con sinh ra không được đẹp đẽ như người bình thường, khó có thể chấp nhận ở khía cạnh đạo đức, đặc biệt là những trường hợp sứt môi, khoèo chân, dư ngón tay, có một khối thừa u quái ở xương cụt đơn thuần. Trong khi, cuộc sống của những trẻ này hoàn toàn bình thường. Ví dụ, cách đây vài ngày, BV Từ Dũ có tiếp nhận một thai phụ 28 tuổi (ngụ Sóc Trăng).
Sau khi siêu âm, một cơ sở y tế ở địa phương phát hiện thai nhi có khối u quái ở xương cùng cụt và thai phụ đến BV Từ Dũ có ý định bỏ thai. Thế nhưng, sau khi các BS chụp MRI cắt lớp, nhận thấy nếu cắt u quái thì thai nhi hoàn toàn bình thường nên đã khuyên không nên bỏ thai. Cũng theo BS Thăng, với những trường hợp thai lớn hơn 28 tuần tuổi, nếu tự ý bỏ thai mà không có quyết định của hội đồng tiền sản, sẽ rất nguy hiểm cho thai phụ. Vì kích thích sinh non sẽ dẫn đến những hậu quả nguy hiểm như: băng huyết, vỡ tử cung.
Thực tế, các BS hiện thiếu sự phân định: dị tật nào có thể bỏ và dị tật nào có thể chữa khỏi khi lớn lên. Vừa phát hiện những bất thường của thai nhi, lập tức họ khuyến cáo phá thai.
Cho đến nay, vẫn chưa có một quy trình chuẩn về tầm soát và chẩn đoán trước sinh, nên nhiều dị tật bẩm sinh bị phát hiện chậm, khi tuổi thai đã lớn. Quyết định bỏ thai đối với các thai phụ lẫn thầy thuốc không bao giờ là vấn đề dễ dàng. Trong khi đó, một hành lang pháp lý cho các chỉ định giữ hay bỏ thai nhờ chẩn đoán trước sinh vẫn chưa được xây dựng.
BS Trần Ngọc Hải khuyến cáo, các cơ sở khám sản phụ khoa tuyến tỉnh hay các phòng mạch chỉ đóng vai trò sàng lọc cho tuyến trên. Vì vậy, nếu nghi ngờ kết quả hoặc phát hiện thai nhi bị dị tật cần chuyển lên các cơ sở y tế có đơn vị chẩn đoán trước sinh để hội chẩn. Vì các BV tuyến trên thường được trang bị đầy đủ hơn về thiết bị máy móc và đội ngũ chuyên gia.
Chẩn đoán sai có thể bị ghép tội vô ý gây chết người
Luật sư Huỳnh Minh Vũ (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết: “Nếu kết quả siêu âm, chẩn đoán là thai nhi bị dị tật, nhưng thực tế sau khi sinh ra trẻ không bị dị tật, như vậy có thể là có sai sót về chuyên môn, kỹ thuật của các cơ sở y tế, BS chuyên khoa.
Theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh thì để xác định người hành nghề có sai sót chuyên môn kỹ thuật hay không, phải được hội đồng chuyên môn xác định. Nếu xác định người hành nghề có sai sót chuyên môn kỹ thuật thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Ngoài việc bồi thường, tùy tính chất, mức độ của hành vi sai phạm, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người hành nghề có sai sót chuyên môn kỹ thuật phải chịu các trách nhiệm pháp lý khác (bị xử phạt vi phạm hành chính, cấm hành nghề hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự,…) theo quy định của pháp luật.
Đối với cơ sở y tế trực tiếp phá bỏ thai nhi, quá trình điều tra, xác minh nếu có sai phạm về chuyên môn kỹ thuật, vi phạm Luật Khám bệnh, chữa bệnh và pháp luật nói chung, thì cũng phải chịu trách nhiệm bồi thường và các trách nhiệm pháp lý khác theo quy định. Nếu người hành nghề thực hiện phá thai trái phép gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phá thai trái phép theo quy định tại điều 243 Bộ luật Hình sự.
Còn theo LS Hà Hải (Đoàn Luật sư TP.HCM), tại điều 25 khoản 4 điểm đ quy định phạm vi hoạt động của phòng khám chuyên khoa phụ sản và điều 28 mục 4 quy định về phạm vi hoạt động của nhà hộ sinh chỉ cho phép “hút thai, phá thai nội khoa đối với thai nhi nhỏ hơn hoặc bằng sáu tuần tuổi (từ 36 ngày đến 42 ngày)” và “chỉ khi đáp ứng các điều kiện quy định tại chuẩn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành”.
Nếu quy trình làm đúng, tuân thủ quy định nhưng do chuyên môn nghiệp vụ yếu kém mà chẩn đoán hình ảnh sai và lỗi này có liên quan trực tiếp đến quyết định phá bỏ thai nhi thì các cơ sở xét nghiệm phải có trách nhiệm bồi thường dân sự. Nếu không tuân thủ nguyên tắc, quy trình và các quy định của pháp luật thì đây là lỗi lớn, ngoài trách nhiệm dân sự, còn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội vô ý gây chết người.